Sản phẩm nổi bật
VIDEO
21/07/2017 21:34
Quả thực, khi chạm đến một chủ đề nhạy cảm như sự dối trá, con người thường có khuynh hướng tự loại mình ra khỏi những nghi ngờ và chỉ trích về đạo đức từ người khác. Thẳm sâu trong suy nghĩ mỗi người, dường như chúng ta luôn khao khát được nhìn nhận là người lương thiện, dù là với chính bản thân mình; không những thế, khi tự đặt mình vào những tình huống trong đó không ít người đã phải gục ngã trước cám dỗ, hẳn chúng ta vẫn tự tin rằng mình đủ khả năng tự kiểm soát mọi hành vi của bản thân, rằng mọi thế lực lôi kéo chúng ta làm điều bất chính đều chỉ là phù du, và rằng đến phút chót, chúng ta vẫn là những công dân trung thực.
Có thể bạn thích:
Thế nhưng, liệu mọi sự có dễ dàng như vậy? Liệu chúng ta có luôn tự quyết định được hành vi đạo đức của mình, hay ít nhất cũng luôn ý thức được mỗi khi mình làm điều sai quấy? Đơn cử, hãy nhớ lại thời còn đi học: bạn đã từng quay cóp khi làm bài kiểm tra chưa? Có lẽ là chưa. Tuy nhiên, giả sử đó là một bài kiểm tra được cho sẵn đáp án ở cuối trang, và bạn được phép xem lại đáp án của mình sau khi nộp bài để rút kinh nghiệm. Bạn vẫn cam kết làm đúng theo yêu cầu của giáo viên, hay sẽ lợi dụng “đặc ân” này để cải thiện điểm số? Và hãy nhìn xung quanh mà xem! Thầy giáo thậm chí không thiết chấm điểm bạn, mà chỉ yêu cầu bạn kiểm tra đáp án và đọc điểm số; còn đám bạn thân thì ngang nhiên sửa từng câu trả lời sao cho hợp với đáp án cho trước. Đến lúc này, bạn vẫn quả quyết mình sẽ hoàn thành bài kiểm tra một cách trung thực, và chẳng mảy may nghĩ đến việc gian lận dù chỉ một giây hay sao?
Bạn sẽ tìm thấy câu trả lời cho mình qua cuốn sách Bản chất của dối trá – không phải từ những lời thề thốt, mà từ những kết quả thí nghiệm có thực. Trong Bản chất của dối trá, tác phẩm thứ ba viết về đề tài phi lý trí, tác giả Dan Ariely – giáo sư khoa tâm lý học và kinh tế học hành vi tại Đại học Duke – đã một lần nữa thành công trong việc chứng minh những ảnh hưởng từ lối tư duy vô thức, phi lý đến hành vi duy lý của con người. Không những thế, ông còn dành hẳn 10 chương sách để phân tích về một địa hạt nơi những tư duy phi lý mặc sức tung hoành: sự dối trá.
Với Bản chất của dối trá, bạn sẽ khám phá được bản thân mình yếu đuối đến nhường nào khi phải lựa chọn giữa hành vi trung thực và sai trái. Bạn sẽ biết rằng hậu quả từ việc dối trá không phải bao giờ cũng ngăn được chúng ta lừa dối; và đôi khi, chính những nỗ lực giữ cho mình trong sạch lại phản lại chúng ta, và khiến chúng ta bất lực trước cám dỗ sau một thời gian dài mệt mỏi kháng cự. Bạn sẽ lý giải được vì sao số lượng những tên trộm vặt luôn vượt trội so với những tay trùm lừa đảo, vì sao những vụ bê bối tài chính luôn tồn tại các phe cánh, chứ không chỉ từng cá nhân tham lam, và vì sao một kế hoạch giảm cân đơn giản cũng khiến chúng ta điêu đứng, và tự thất hứa với bản thân mình hết lần này đến lần khác.
Tuy nhiên, phi lý không có nghĩa là vô tội. Tác giả không hề có ý muốn biện minh cho những hành vi dối trá, mà chỉ mở ra một hướng tiếp cận mới ngoài địa hạt của suy nghĩ duy lý để đưa ra những biện pháp phù hợp. Đôi khi, chỉ một lời cam kết, một chữ ký đảm bảo, hay một ánh nhìn của người quan sát cũng đủ khiến chúng ta phải suy nghĩ lại, và nhờ đó hạn chế được hành vi sai trái. Không phải ngẫu nhiên mà máy quay quan sát hay những lời cam kết trong các văn bản hợp đồng luôn có mặt trong cuộc sống của chúng ta, và góp phần giúp ta giữ mình trong sạch. Bài học ở đây chính là: chúng ta không thể xem thường sức mạnh của sự phi lý. Giống với tư duy lý trí, đây cũng là khía cạnh cần được xem xét nghiêm túc khi mỗi người tự phán xét hành vi ứng xử của chính mình.
Và tất nhiên, đó là nếu bạn vẫn muốn làm một người trung thực…
Đọc sách, xin nhấn vào đây